Download

sâfasfasf

Tin Tức

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Hủ tục “bắt chồng”, "cướp vợ", vợ hoặc chồng chết thì người kia phải tự tử theo

Ruanrong - Tục “bắt chồng”, "cướp vợ", rồi vợ hoặc chồng chết thì người kia phải tự tử theo… là những hủ tục hôn nhân của người dân tộc ở Việt Nam khiến bất cứ ai nghe được cũng phải rùng mình.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2014/NĐ-CP; trong đó có quy định chi tiết về áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình.
Đặc biệt, cấm áp dụng những tập quán lạc hậu gồm: 1- Chế độ hôn nhân đa thê; 2-Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời; 3- Tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ; 4- Thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché... để dẫn cưới); 5- Phong tục “nối dây” (Khi người chồng chết, người vợ goá bị ép buộc kết hôn với anh trai hoặc em trai của người chồng quá cố; khi người vợ chết, người chồng goá bị ép buộc kết hôn với chị gái hoặc em gái của người vợ quá cố); 6- Bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ; 7- Đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn.
Cuộc sống của vợ chồng nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số phần nhiều được quyết định theo phong tục tập quán, quan niệm đạo đức truyền thống đó. Song hiện vẫn còn một số phong tục lạc hậu, được coi là trái với quy định của pháp luật HN&GĐ vẫn đã và đang tồn tại, ăn sâu vào đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số:
Vợ chết, chồng phải tự tử theo

                                    Những đứa trẻ này sớm mồ côi vì tập tục vợ hoặc chồng chết thì người kia phải tự tử theo
Nhiều hủ tục còn tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc Bana ở Koong Chro (Gia Lai). Đó là hủ tục vợ chết hoặc chồng chết, người còn lại cũng lên rẫy tự tử , để lại những đứa con thơ không nơi nương tựa. Bình quân hàng năm trên địa bàn huyện có hàng chục vụ vợ hoặc chồng chết thì người còn lại đã tự kết liễu đời mình bằng một sợi dây định mệnh hoặc bằng thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột…. Và họ đã để lại những đứa con thơ cho người thân phải nuôi nấng. Những đứa trẻ mất cả bố lẫn mẹ do hủ tục lạc hậu này đều rất khó khăn, họ rất cần sự chung tay giúp sức của cộng đồng để có thể vươn lên trong cuộc sống.
Làm cỗ cưới mời cả làng
Luật tục của người Ê đê ở Tây Nguyên có phong tục khi cưới vợ, cưới chồng cho con trai, con gái thì nhà đó phải làm cỗ mời cả làng đến dự và chứng kiến, nếu nhà nghèo thì dân làng sẽ đóng góp cho, hai bên nam nữ lấy nhau không đăng ký kết hôn tại UBND. Những cuộc hôn nhân không tiến hành đúng nghi lễ này thì sẽ bị dân làng, dòng họ dùng luật tục để bắt phải tổ chức kết hôn lại. Hủ tục thách cưới khi về nhà chồng làm người phụ nữ phải lao động vất vả để trả nợ, khiến cuộc sống rất khó khăn.
Theo tập tục của người Thái, hôn nhân chỉ được nhà nước công nhận sau khi đã tổ chức nghi lễ cưới xin truyền thống. Để tổ chức nghi lễ này, nhà trai phải mang sang nhà gái “cống vật” bao gồm một lượng lớn thực phẩm, gia súc, rượu và một khoản tiền nhất định để lấy được người con dâu, nếu nhà trai đáp ứng được những đòi hỏi này của nhà gái thì lúc đó cô dâu, chú rể mới chính thức trở thành vợ chồng.
Luật tục “bắt chồng”
Bắt chồng là phong tục không chỉ của người Chu Ru ở Lâm Đồng mà hiện còn tồn tại ở rất nhiều tộc người khác ở vùng dọc Trường Sơn - Tây Nguyên nhưng “giá” của các chàng trai ở đây cao ngất ngưởng đã đẩy không biết bao nhiêu gia đình bên vợ vào bước đường cùng. Theo đó, người con gái đến tuổi lấy chồng sẽ được cha, mẹ hoặc người mai mối “tia” cho một tấm chồng. Tất cả việc đám hỏi, đám cưới do nhà gái lo liệu. Sau khi cưới, chàng rể về sống bên nhà vợ.
Ngày xưa, nhà trai thường đòi lễ vật là trâu, bò, heo, đồng la, cồng chiêng, ghè, tố, chóe, khố, váy, vòng cườm, nhẫn bạc... và một đám cưới linh đình kéo dài bảy ngày, bảy đêm tại nhà gái. Hiện nay, tất cả các lễ vật trên được quy ra thành tiền mặt.Trong hoàn cảnh quá ngặt nghèo gia đình phía vợ được nợ các lễ vật trong đám cưới. Họ có thể trả dần và đôi vợ chồng trẻ phải “còng” lưng ra làm để trả nợ. Nếu vợ chồng không trả hết thì đến đời con, đời cháu phải trả.
Cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ.



Ở Phù Yên (Sơn La) hiện vẫn còn “mùa cướp vợ”, bắt đầu từ tháng 11 âm lịch theo tục của người Mông. Theo đó, chàng trai Mông đến chợ, nếu bắt gặp một cô gái và cảm thấy “ưng cái bụng” liền quay về rủ thêm một số thanh niên trong bản tìm bắt cô gái theo mình. Nếu hai người đã có tình ý từ trước thì việc này diễn ra đơn giản, nhưng nhiều gia đình người Mông đã tổ chức “cướp” con gái nhà người khác làm vợ cho con mình một cách đầy vũ lực…
Chôn sống con theo mẹ đã mất
Xưa kia, trẻ em sinh ra mà không may mẹ qua đời hoặc không rõ cha là ai sẽ bị bóp cổ, bỏ đói đến chết rồi chôn theo mẹ. Đó là hủ tục ghê rợn của người Bana ở Gia Lai mà nay đã không còn tồn tại. Người Bana quan niệm nếu không để cháu bé theo mẹ thì hồn người chết sẽ không siêu thoát. Hơn nữa, đứa bé còn nhỏ mà không có bàn tay chăm sóc của mẹ sẽ gây ra phiền toái cho cha, anh chị em trong gia đình. Vì vậy, đứa trẻ phải chết theo mẹ càng sớm càng tốt, khi ấy linh hồn người mẹ sẽ được siêu thoát, người sống cũng khỏi bận lòng.
Ngoài ra, những cô gái lỡ "ăn phải trái cấm" trước hôn nhân phải tự tay bóp chết đứa con mình vừa sinh ra. Nếu người mẹ không thể giết con thì anh em dòng họ của cô sẽ... giúp. Người Bana quan niệm những đứa trẻ không cha sinh ra là điềm gở, mang xui xẻo đến cho chính bản thân người mẹ và người dân trong làng. Người mẹ cố tình nuôi đứa con không cha này sẽ không có người đàn ông nào dám lấy cô làm vợ nữa.
Khi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn thì hủ tục lạc hậu trên gây ra không ít phiền phức và sự tốn kém. Thậm chí, có nhiều gia đình nghèo, do muốn dựng vợ gả chồng cho con cái đành "liều" vay mượn tiền bạc sắm lễ vật thách cưới để rồi sau đám cưới linh đình ấy là ôm đống nợ. Những đứa trẻ có thể sớm mất cả cha lẫn mẹ khi cha mẹ chúng bị quyết định số phận bởi những hủ tục…



                                                                                                 Theo: báo gia đình

0 nhận xét:

Đăng nhận xét